Lớp học linh hoạt - Xóa mù chữ bậc tiểu học, tại Trung tâm GDNN - GDTX Thanh Xuân
20:34 - 08/05/2020
Cô Huyền ngồi xuống bên cạnh học sinh Nguyễn Mạnh Nghĩa, cầm tay cậu học sinh rồi đưa chậm chậm, tô theo từng nét chữ cho đến khi đúng nét mới thôi, Nghĩa cầm vở lên khoe với những bạn bên cạnh nhưng nét mặt lộ rõ vẻ vui sướng.
“Dạy những học sinh chậm phát triển như vậy mất công lắm, phải uốn nắn, động viên, thậm chí dỗ dành thì bạn ý mới nghe theo, không quan tâm là bỏ học ngay.
Nhìn thế mà Nghĩa 21 tuổi rồi đấy, học được hơn một năm rồi, giờ đã thuộc hết bảng chữ cái và tô theo những nét mà chữ mà cô viết bằng bút chì trong vở”, cô Huyền chia sẻ.
Cô Huyền đang là giáo viên đang dạy tiểu học tại Tuyên Quang, cho đến năm 1997 thì cả gia đình chuyển về Hà Nội theo công việc của chồng, kinh tế gia đình thời điểm đó rất khó khăn, chồng thì làm lương ba cọc ba đồng, nuôi hai con nhỏ mà lúc đó cô mới chuyển về đây nên cũng không có việc làm.
Trong thời gian đó, cô Huyền thấy có rất nhiều cháu quanh khu nhà mình ở không biết chữ, nghịch ngợm phơi nắng suốt ngày, gia đình bố mẹ các cháu từ quê ra làm các việc như nhặt rác, đổ nước vo, bán hàng rong nên không có điều kiện cho các cháu đến trường.
Cô Huyền chia sẻ: “Bản thân tôi cũng không có tuổi thơ, vì nhà nghèo, đông anh chị em nên 6 tuổi bố đã cho tôi làm con nuôi một nhà khác, tôi cũng thức khuy dậy sớm làm lụng phụ giúp gia đình.
Cõ lẽ thế nên thấy các cháu lêu lổng, không biết chữ thì tôi rất thương, nghĩ mình là cô giáo lại hiện chưa có việc làm, vì vậy tôi quyết tâm mở lớp để xóa mù chữ cho các cháu để cho chúng có tương lai”.
Nói là làm, cô bán bộ bàn ghế xa lông gỗ của gia đình và dùng số tiền ấy mua 3 bộ bàn ghế học sinh về bày ở nhà để mở lớp, thời gia đầu có 6 cháu ở gần nhà cô theo học.
“Sau một tuần, bố mẹ các cháu xung quanh biết nên cũng dắt con sang nhờ tôi dạy chữ, lớp tăng dần lên đến 18 cháu với độ tuổi từ 6 cho đến 15.
Lúc này gian nhà tôi ở có 34 m2 nên khá chật, tôi phải dành cả phòng khách để làm lớp học, còn gia đình tôi sống trên gác xép. Các cháu tiếp thu rất nhanh và hầu như chỉ sau 3 tháng là các cháu đã biết đọc biết viết, lúc đó là năm 1998”, cô Huyền nói.
“Năm 2000 thì chính quyền địa phương biết chuyện tôi mở lớp dạy học miễn phí tại nhà, các bác ý cũng động viên tôi duy trì lớp học. Bà Trần Thị Thanh Thanh – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em lúc đó biết tin cũng tìm đến tận nhà động viên.
Cùng lúc đó Uỷ ban Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em quận Thanh Xuân mời tôi tham gia với tư cách giáo viên dạy xóa mù, đồng thời là tư vấn viên cho trẻ em đường phố. Tôi được hỗ trợ tiền đi lại là 400 nghìn đồng 1 tháng”, cô Huyền nói.
Lớp học của cô Huyền duy trì đến năm thứ 14 thì nhà cô bị giải tỏa để làm đường vành đai 3, không biết sẽ mở lớp thế nào nên cô tìm đến Ủy ban nhân dân phường Hạ Đình và Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận Thanh Xuân nhờ giúp đỡ.
“Nghe thấy mong muốn của tôi nên đồng chí Bí thư và chủ tịch rất quan tâm, tạo điều kiện cho mượn một phòng bảo vệ tại phường Hạ Đình để tôi làm lớp học.
Phòng học đó được khoảng 5 năm thì lớp lại bị giải tỏa để mở rộng đường, vì thế lớp học bị gián đoạn mất vài tháng”, cô Huyền chia sẻ.
Nhà cô Huyền được đền bù ở quận Cầu Giấy, nhưng lớp cô dạy lại ở Thanh Xuân, cô bàn với chồng chuyển nhà đến gần lớp học ở quận Thanh Xuân Nam cho thuận tiện việc dạy các cháu.
“Khoảng năm 2011, Ủy ban nhân dân phường Hạ Đình – Thanh Xuân đã tạo điều kiện cho mượn một phòng họp của Hội Phụ Nữ để tôi mở lớp cho đến tận ngày hôm nay, 7h sáng là có cháu đã đến học, tôi dạy viết hoặc ra bài để các cháu làm, tiếp tục tôi chuyển sang nhóm bên cạnh với các cháu lớp khác.
Cứ như vậy, tôi quay lại từng nhóm giảng bài để các cháu hiểu, tuy học chung một lớp nhưng tôi chia thành nhiều nhóm theo từng trình độ, thường các cháu theo học cả tuần và tan học lúc 11h trưa”, cô Huyền cho biết.
Các lớp của cô Huyền dạy là lớp ghép với trình độ từ lớp 1 đến lớp 5, học theo chương trình sách giáo khoa phổ thông và đầy đủ các môn nhưng đều do mình cô dạy, mỗi năm các cháu lên một lớp.
“Năm 2003 có 4 cháu lên lớp 6, tôi làm học bạ để chuyển các cháu theo học tiếp tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận Thanh Xuân, những năm tiếp theo có từ 3 đến 6 cháu lên lớp 6. Phấn khởi lắm vì thấy công sức của mình như được đền đáp, cô Huyền chia sẻ.
Thời gian đầu, lớp học của cô giáo Huyền đều là các cháu phát triển bình thường và không có khuyết tật, nhưng sau có nhiều người biết, ở các quận và tỉnh khác cũng đưa con em mình đến lớp nhờ cô dạy.
“Hiện nay lớp có thêm một số em học sinh bị đao, chậm phát triển, tự kỉ, các cháu đều có hoàn cảnh kinh tế gia đình rất khó khăn, qua học ở đây được hơn một năm nhưng các cháu này đã nhận biết và viết được hết cả bộ chữ cái.
Quan điểm của tôi đã mở lớp dạy từ thiện, tình thương con người thì ở đâu đến xin tôi cũng nhận, không phân biệt lứa tuổi, kể cả 90 tuổi không biết chữ nhưng nếu có đến xin tôi cũng nhận.
Giáo dụng thường xuyên thường xuyên giáo dục mà”, cô Huyền vui vẻ nói.
Ngoài dạy văn hóa, cô Huyền còn dạy các em nấu ăn những bữa cơm đơn giản trong gia đình, dạy cắm hoa, dạy làm bánh…mục đích cho các em tự chăm sóc được cho bản thân.
Cô Huyền duy trì lớp học này cho đến nay đã được 21 năm nhưng cô không bao giờ quên một cậu học sinh tên là Duy Anh.
Bố của Duy Anh mất sớm, mẹ thì ốm yếu, kinh tế gia đình rất khó khăn, bạn đó nản chí nhưng nhưng cô Huyền luôn động viên, uốn nắn để Duy Anh theo học.“ Tôi nói con phải cố học giỏi để sau này còn có việc làm để nuôi mẹ, nghe lời tôi bạn đó rất chăm và học giỏi, viết chữ rất đẹp”.
“Cháu Duy Anh tôi dạy từ lớp một cho đến hết lớp 5, sau đó chuyển vào học lên cấp tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên. Năm ngoái tôi có sang dự tổng kết năm học bên trung tâm, cô giáo chủ nhiệm lớp cháu Duy Anh cứ cảm ơn tôi mãi, nói nhờ có cô mà nay em mới có được một cậu học sinh với thành tích 3 năm cấp ba đều là học sinh giỏi, là lớp trưởng và Bí thư chi đoàn”, cô Huyền nói mắt nhưng đôi mắt ánh lên niềm vui.
Vậy là 21 năm mở lớp học tình thương nhưng có tới 14 năm cô Huyền đã dành một phòng trong ngôi nhà nhỏ bé của mình để duy trì lớp.
Bất cứ việc gì giúp được học sinh thì cô Huyền không quản ngại, từ đề nghị Ủy ban nhân dân phường trợ cấp cho gia đình học sinh khó khăn, tìm việc làm cho học sinh lớn tuổi, cô còn về tận Thanh Hóa làm giấy khai sinh cho 2 học sinh trong lớp…
Không phụ lòng cô, tất cả học sinh tại lớp học tình thương Hạ Đình do cô dạy đều ngoan ngoãn, nghe lời, lễ phép.
Cô Huyền chia sẻ: “Tôi nguyện sẽ tiếp tục gắn bó với công việc phổ cập, xóa mù chữ cho đến khi sức khỏe buộc tôi phải dừng lại”.
(Theo giaoduc.net.vn)
Hướng dẫn học sinh thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 trên Truyền hình Hà Nội
Hoạt động trải nghiệm về miền di sản Cố đô Hoa Lư – Khu sinh thái Thung Nham của Thầy và trò Trung tâm GDNN – GDTX Quận Thanh Xuân
Lễ tổng kết năm học - Lưu luyến phút chia tay
Những bông hoa đẹp trong phong trào dạy tốt - học tốt