Rộng mở cánh cửa tri thức, hướng nghiệp
09:57 - 28/02/2018
RỘNG MỞ CÁNH CỬA TRI THỨC, HƯỚNG NGHIÊP
Đặt lên hàng đầu mục tiêu phát triển bền vững, tạo những cơ hội học tập cho nhân dân trên địa bàn, góp phần “xây dựng xã hội học tập”, trong những năm qua, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên Trung tâm GDNN - GDTX quận Thanh Xuân đã chung sức, đồng lòng tìm ra nhiều hướng đi phù hợp với hoạt động của đơn vị. Được thành lập tháng 7/2000, từ số lượng học sinh ban đầu chỉ có 13 em học chương trình bổ túc văn hóa, đến nay, mỗi năm Trung tâm thu hút và dạy văn hóa cho khoảng 30 lớp với 800 đến 1000 học viên. Để có được số lượng học viên theo học như vậy, Trung tâm đa dạng về các bậc học (dạy xóa mù chữ bậc Tiểu học, phổ cập bậc THCS, THPT, GDTX), lớp học được mở cả 3 buổi học (sáng, chiều, hoặc lớp tối) để học viên lựa chọn phù hợp với điều kiện, đồng thời được mở ra ở các điểm học tập khác nhau: trong và ngoài Trung tâm, tại khu dân cư, từ đó đáp ứng nhu cầu học tập của người học, thu hút học viên tham gia học tập. Hiện nay Trung tâm có 6 lớp học buổi tối cho đối tượng học viên vừa đi làm, vừa đi học.
Song song với dạy chương trình văn hóa là hoạt động dạy nghề kỹ thuật tổng hợp cho học sinh khối THPT, THCS. Với số lượng từ 5000 đến 8000 học sinh hàng năm, hoạt động dạy nghề tập trung vào các nghề: Làm vườn, Điện dân dụng, Làm hoa nghệ thuật, Thêu tay, Móc chỉ, Nấu ăn, Tin học ... Nhờ không ngừng đổi mới và đưa vào nền nếp, gắn đào tạo lý thuyết với thực hành, tổ chức thành công các hội thi kỹ năng nghề phổ thông, công tác dạy nghề của Trung tâm ngày càng thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đây thực sự là một kênh quan trọng và hiệu quả giúp học sinh hiểu biết hơn về nghề học, năng lực của bản thân, trau dồi kỹ năng sống, từ đó giúp các em có sự định hướng lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai.
Trung tâm liên kết với các Trường cao đẳng, trung cấp để dạy nghề Trung cấp chuyên nghiệp cho chính học sinh đang theo học văn hóa tại đơn vị, giúp các em sau khi tốt nghiệp THPT, vừa có kiến thức, vừa có tay nghề, có thể tìm việc làm phù hợp, đúng với định hướng phân luồng của ngành GD&ĐT trong xu thế đổi mới hiện nay.
Trung tâm còn chủ động tổ chức những nhóm học ngắn ngày theo chuyên đề, như: kỹ thuật cắm hoa, cắt tỉa rau củ quả, làm bánh ngọt, pha chế đồ uống, nấu ăn lễ tết,… để đáp ứng nhu cầu của học sinh và nhân dân trên địa bàn quận. Bên cạnh đó, Trung tâm có thêm hoạt động hỗ trợ người khuyết tật như: mở lớp học xóa mù chữ, mở lớp ngôn ngữ ký hiệu dành cho người khiếm thính.
DẠY CHỮ GẮN VỚI DẠY NGƯỜI
Với nhiệm vụ đẩy mạnh phong trào học tập trong nhân dân, giáo dục không phân biệt đối tượng, Trung tâm GDNN - GDTX quận Thanh Xuân đã nỗ lực phát huy cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giảng dạy để đảm bảo yêu cầu và chất lượng đào tạo. Đến nay, 100% GV của Trung tâm đã đạt chuẩn và trên chuẩn, tâm huyết với nghề, tận tình, thương yêu học sinh. Đồng cảm với những học trò ban ngày phải đi làm việc mưu sinh, tối mới đến lớp học để thu nạp thêm tri thức, nhiều giáo viên đã tình nguyện dạy các lớp học tối. Ban giám đốc và đội ngũ CBGVNV Trung tâm đã không ngại khó, tận tâm với công việc, luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nhiều thầy cô giáo còn vươn lên đạt giải cao tại các kỳ thi GVDG cấp Thành phố như: cô giáo Nguyễn Thị Huyền – đã 2 lần đạt Giải Nhất và Giải Nhì GVDG Thành phố môn Hóa, cô giáo Nguyễn Thị Xuân Quỳnh - giải Nhì GVDG TP môn Văn, cô giáo Trần Thị Cúc – Giải Nhất GVDG TP môn Địa …
VIẾT TIẾP NHỮNG ƯỚC MƠ TRUNG TÂM GDNN - GDTX QUẬN THANH XUÂN
Học sinh đa phần có đầu vào thấp, qua quá trình học tập các em đều có chuyển biến tốt về học tập và rèn luyện. Hàng năm, Trung tâm đều có học viên đạt giải kỳ thi HSG cấp thành phố. Như năm học 2014- 2015, Trung tâm đã có 1 HS đạt giải Nhất quốc gia về Giải toán trên MTCT; 1 giải Nhất môn Hóa học; 5 giải Nhì cùng 4 giải Ba và 15 giải Khuyến khích các môn văn hóa, Olympic tiếng Anh, Giải toán trên MTCT… Nhiều HS là Vận động viên đã mang về nhiều Huy Chương Vàng, Bạc, Đồng trong các giải thi đấu thể thao trong nước và quốc tế.
Với đặc thù của ngành học GDTX, nhiều học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, có em thiếu mái ấm gia đình, nhiều em phải bươn trải để lo cuộc sống mưu sinh hàng ngày, một số học sinh chưa chuyên cần trong học tập, rèn luyện, nhiều em là Vận động viên sống xa gia đình, nên ngoài việc đào tạo tri thức, Trung tâm rất chú trọng tổ chức chương trình giáo dục ngoại khóa, chăm lo giáo dục đạo đức, lối sống, rèn luyện kỹ năng và thái độ sống tích cực cho học sinh. Các hoạt động sôi nổi như: liên hoan văn hóa văn nghệ; thi đấu thể dục thể thao thường xuyên được duy trì. Các hoạt động giáo dục truyền thống như tổ chức cho học sinh đi thăm viện bảo tàng, đi dã ngoại… được tổ chức đều đặn hàng năm. Qua mỗi hoạt động, học sinh được bồi đắp thêm tình yêu quê hương, đất nước, tự hào về truyền thống lịch sử của dân tộc; từ đó các em có thêm niềm tin, quyết tâm để học tập, rèn luyện tốt hơn.
Trung tâm kiên trì, bền bỉ duy trì mô hình 2 lớp xóa mù chữ bậc tiểu học với trên 30 học viên, trong đó 1 lớp học linh hoạt dành cho người chưa biết chữ, người có hoàn cảnh khó khăn và 1 lớp học tình thương dành cho khoảng 20 trẻ khuyết tật trí tuệ (như trẻ thiểu năng, tự kỷ, tăng động …). Tại các lớp học, giáo viên dạy chữ, làm toán, đồng thời hướng dẫn các em cách tự chăm sóc bản thân, ứng xử, giúp các em hòa nhập cộng đồng, bên cạnh đó huy động cộng đồng hỗ trợ dạy nghề và tìm việc làm cho các em. Tấm gương tiêu biểu là cô giáo Nguyễn Thị Huyền, đã gắn bó với lớp linh hoạt Hạ Đình 17 năm; cô giáo Nguyễn Thị Phượng Ngọc, đã gắn bó với lớp tình thương Kim Giang 13 năm.
Hàng loạt “đầu việc” với khối lượng công việc khá lớn được triển khai, song đội ngũ CBGV-NV Trung tâm vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao theo từng năm học. “Có được điều này là bởi tập thể Trung tâm luôn đoàn kết, thống nhất trong mọi hoạt động. Đặc biệt, các thầy cô giáo luôn đến với học trò bằng sự tâm huyết, tình yêu thương, nỗ lực hết mình vì tương lai của các em nên khó khăn nào cũng từng bước được khắc phục… Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục củng cố, phát triển mô hình hoạt động theo hướng đa dạng hóa các loại hình đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân. Bên cạnh đó, quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ CBGV để đẩy mạnh chất lượng dạy chữ, dạy nghề, dạy người, đồng hành với người học trên chặng đường xây dựng xã hội học tập, tiếp cận tri thức của nhân loại” - Cô giáo Hiệu trưởng Tô Thị Trà Ly chia sẻ.