GIỜ DẠY VĂN

GIỜ DẠY VĂN

09:59 - 12/04/2018

GIỜ DẠY VĂN

Thầy giáo: Trần Thanh Việt - Giảng viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn

 

Không thể quên những gương mặt học trò ngây thơ, hồn nhiên trong các lớp học buổi sáng.

Vì văn học vừa là bộ môn khoa học, bộ môn nghệ thuật, vừa là bộ môn giúp là phong phú làm đẹp thêm tâm hồn con người, lồng vào trong các bài học văn, tôi tìm hiểu tâm tư của mỗi em. Đa phần, các em đều là học sinh chưa đủ điểm vào học các trường trung học phổ thông công lập trong thành phố. Số ít các em do hoàn cảnh gia đình, chưa có hộ khẩu ở Hà Nội nên phải xin vào học ở đây. Như bao học trò các trường phổ thông khác, lớp có em học được môn này, môn khác, có em chăm học và có em không chịu học. Nhưng ngay từ những buổi đầu lên lớp, nhìn vào ánh mắt các em tôi thấu hiểu, các em đều khao khát được học tập, khao khát tìm cơ hội phát triển cho tương lai của mình. Tôi hiểu rằng trung tâm chính là nơi đã mở ra cho các em cơ hội, để tiếp tục theo đuổi khát vọng cuộc đời mình. Xen vào những giờ giảng văn, từ số phận nhân vật trong mỗi trang truyện ngắn, tù ý nghĩa của mỗi bài thơ, tôi thường khơi gợi cho các em ý chí phấn đấu, hướng về ngày mai, mơ cho chính mình một tương lai tươi sáng.

Nhớ năm học lớp 10, khi học về Văn học dân gian, các em học sinh lớp 12A rất bất ngờ khi hiểu rằng, văn học không bao giờ chỉ là những câu chuyện bịa y như thật, gây hứng thú, gây mối đồng cảm sâu xa trong lòng người đọc, văn học còn là nơi con người gửi gắm bao ước mơ, hoài bão và hy vọng.

Nhờ trí tưởng tượng phong phú, từ hình ảnh tấm thảm bay, con người chế tạo nên máy bay, từ hình ảnh chú cuội bám gốc đa bay lên cung trăng, con người sáng tạo nên tàu vũ trụ…

Văn học, trong đó có văn học dân gian đã góp phần đưa trí tưởng tượng của con người bay bổng, đưa con người đến những khám phá khoa học trong tương lai. Sẽ không làm được điều gì vĩ đại nếu con người thiếu đi năng lực tưởng tượng. Từ đó, ngoài việc phân tích cái hay, cái đẹp qua nghệ thuật ngôn từ của một câu ca dao trong giờ kiểm tra, các em đã liên hệ đến nghĩa tình cao đẹp trong truyền thống của dân tộc, các em nghĩ nhiều về lối ứng xử, của mình, của bạn hôm nay.

Nhớ một lần lên dạy lớp bổ túc học buổi tối, do cô giáo Quỳnh nhờ dạy thay. Lớp hầu hết là các học viên đã đi làm, tranh thủ buổi tối tới trường miệt mài bổ sung cho mình tri thức. Các anh chị học viên học hết sức sôi nổi, chỉ có điều, do lâu rồi không chạm đến văn chương sách vở, nên kiến thức ngày xưa từng học đã mai một đi nhiều. Nhớ lần đó tôi giảng truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu. Học viên ngại phát biểu, ngại tranh luận, và không tóm lược được bài giảng khi thầy và các học viên khác trao đổi. Có học viên, trông tuổi còn trẻ, chắc cũng mới chuyển lên từ bậc học cơ sở nhưng do ngại học nên không phân biệt được những thuật ngữ đơn giản dùng trong việc tìm hiểu truyện ngắn. Nhưng tôi phải bất ngờ, vô cùng bất ngờ khi qua lời phát biểu của các học viên lớn tuổi trong lớp, có chị tuổi đã bốn mươi, cả lớp hiểu hơn về những năm tháng Nguyễn Minh Châu công bố tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa. Trong khi nhiều học viên trẻ nghĩ về những năm tháng bao cấp, cuộc sống còn nhiều gian khổ thì các anh chị học viên lớn tuổi lại thấy xúc động như vừa chạm về những kỷ niệm đã qua, có một thời gian khổ nhưng con người ta sống với nhau rất nghĩa tình. Chính những tâm sự thoáng qua ấy của các học viên đã tạo nên không khí mở đầu giờ học mang chất văn chương. Để rồi tiết học sau đó (một buổi học tối ở trung tâm, một môn học kéo dài hai tiết), cả lớp đã hào hứng bàn về quan niệm nghệ thuật của nhà văn, bàn về các kết cấu truyện lồng truyện, bàn về hình tượng nhân vật. Hầu hết đều thể hiện mối đồng cảm sâu sắc với số phận nhân vật người đàn bà hàng chài. Tất nhiên, trong quá trình trao đổi, nhiều lần cả thầy và trò cười nghiêng ngả về cách hiểu ngô nghê của học viên. Nhưng hình như mối xúc động đã đọng lại trong ánh mắt mỗi học viên. Cả lớp khiến tôi bất ngờ khi cuối buổi học, tôi cho cả lớp đặt câu hỏi với thầy về tác phẩm vừa học. Một chị đã hỏi tôi về việc một đề văn do chị sưu tầm đặt vấn đề phân tích hình tượng người đàn bà hàng chài nhưng trong đáp án lại chủ yếu phân tích những đức tính tốt đẹp của người phụ nữ này, chị cho rằng nếu vậy, hình tượng người đàn bà hàng chài trong bài phân tích trên có khác gì hình ảnh chị Dậu, chị Út Tịch mà trước đây chị đã từng học. Câu hỏi của chị đã đưa cả lớp quay lại với vấn đề truyện ngắn này, Nguyễn Minh Châu viết dưới dạng một truyện ngắn luận đề. Thời lượng của giờ học đã hết, tôi đành hẹn cả lớp một dịp khác và cho học viên tìm hiểu thêm ở nhà.

Ba năm dạy thỉnh giảng ở trung tâm, hai giờ học đó, đến giờ tôi vẫn nhớ. Chính những học trò của tôi đã góp ý với thầy, để thầy đưa thêm những luận điểm mới vào bài giảng của mình.

Giỗ Tổ Hùng Vương - Giá trị dân tộc và nhân loại
Viết cho ngày đầu tiên học sinh trở lại mái trường
Chinh phục đam mê trở thành Biên tập viên truyền hình  
Bài thơ: NƠI ẤY TRƯỜNG EM
VỆT SÁNG